Các Loại Hình Pháp Nhân Doanh Nghiệp

Các Hình Thức Tổ Chức Doanh Nghiệp

Với tư cách là chủ doanh nghiệp, một trong những quyết định đầu tiên mà quý vị phải thực hiện chính là cách cơ cấu doanh nghiệp của mình.  Mọi doanh nghiệp đều phải áp dụng một mô hình pháp lý nào đó xác định quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia sở hữu, kiểm soát doanh nghiệp, trách nhiệm cá nhân, tuổi đời doanh nghiệp và cấu trúc tài chính.  Quyết định này sẽ có tác động lâu dài, vì vậy, quý vị nên hỏi ý kiến kế toán và luật sư của mình để giúp quý vị lựa chọn hình thức sở hữu phù hợp cho mình.

Khi đưa ra lựa chọn này, quý vị cần cân nhắc các yếu tố sau:

  • Tầm nhìn của quý vị về quy mô và tính chất hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Mức độ kiểm soát mà quý vị muốn có.
  • Mức độ “cơ cấu” mà quý vị sẵn sàng ứng phó.
  • Nguy cơ bị kiện tụng của doanh nghiệp.
  • Tác động về thuế của các cơ cấu tổ chức khác nhau.
  • Lãi (hoặc lỗ) dự kiến của doanh nghiệp.
  • Quý vị có cần tái đầu tư lợi nhuận vào doanh nghiệp của mình hay không.
  • Nhu cầu rút tiền khỏi doanh nghiệp cho mục đích cá nhân của quý vị.

Tổng quan về bốn hình thức tổ chức pháp lý cơ bản: Doanh Nghiệp Tư Nhân Một Chủ; Công Ty Hợp Danh; Công Ty Cổ Phần và Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn.  Vui lòng tham khảo thêm bảng tóm tắt các yếu tố không liên quan đến thuế để cân nhắc khi lựa chọn.

Doanh Nghiệp Tư Nhân Một Chủ

Hầu hết các doanh nghiệp nhỏ khởi sự kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân một chủ.  Hình thức doanh nghiệp này do một cá nhân làm chủ, thường là người chịu trách nhiệm điều hành các công việc hàng ngày của doanh nghiệp.  Chủ doanh nghiệp sẽ sở hữu toàn bộ tài sản của doanh nghiệp cũng như lợi nhuận mà doanh nghiệp này tạo ra.  Đồng thời, chủ doanh nghiệp này cũng chịu trách về bất kỳ nghĩa vụ pháp lý hoặc nợ nào của doanh nghiệp.  Dưới con mắt của pháp luật và công chúng, quý vị và doanh nghiệp là một.

Ưu Điểm của Doanh Nghiệp Tư Nhân Một Chủ

  • Đây là hình thức sở hữu doanh nghiệp dễ dàng và ít tốn kém nhất.
  • Chủ sở hữu duy nhất toàn quyền kiểm soát doanh nghiệp và đưa ra các quyết định mà họ cho là phù hợp, trong phạm vi pháp luật cho phép.
  • Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được kê khai trực tiếp trong hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân của chủ doanh nghiệp.
  • Chủ doanh nghiệp có thể dễ dàng giải thể doanh nghiệp nếu muốn.

Nhược Điểm của Doanh Nghiệp Tư Nhân Một Chủ

  • Chủ sở hữu duy nhất chịu trách nhiệm vô hạn và có nghĩa vụ pháp lý đối với toàn bộ khoản nợ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp và tài sản cá nhân của chủ sở hữu đều chịu rủi ro.
  • Loại hình doanh nghiệp này có thể gặp bất lợi khi cần huy động vốn và thường bị giới hạn do sử dụng tiền từ các khoản tiết kiệm cá nhân hoặc vay tiêu dùng.
  • Có thể gặp khó khăn trong việc thu hút nhân viên có trình độ cao hoặc những người mong muốn có cơ hội sở hữu một phần doanh nghiệp để có động lực.

Công Ty Hợp Danh

Trong Công Ty Hợp Danh, hai hoặc nhiều cá nhân cùng chia sẻ quyền sở hữu một doanh nghiệp.  Giống như hình thức doanh nghiệp tư nhân, luật pháp không phân biệt giữa doanh nghiệp và chủ sở hữu.  Các Thành Viên Hợp Danh phải xây dựng thỏa thuận pháp lý, trong đó quy định rõ cách thức ra quyết định, phân chia lợi nhuận, giải quyết tranh chấp, cách thức tiếp nhận thành viên hợp danh mới trong tương lai, làm thế nào để chấm dứt tư cách thành viên hợp danh, hoặc các bước cần thực hiện để giải thể công ty hợp danh khi cần thiết; Đúng là thật khó để nghĩ đến việc “chia tay” khi doanh nghiệp chỉ mới bắt đầu, tuy nhiên, có nhiều công ty hợp danh phải giải thể trong thời điểm khủng hoảng và nếu không có quy trình được xác định rõ ràng, công việc giải thể này sẽ càng khó khăn hơn.  Những người đồng sở hữu này cũng phải xác định trước thời gian và vốn góp mà mỗi người sẽ bỏ ra, v.v.

Ưu Điểm của Công Ty Hợp Danh

  • Công Ty Hợp Danh tương đối dễ thành lập; tuy nhiên, quan trọng là cần đầu tư thời gian để xây dựng thỏa thuận hợp danh.
  • Khi có từ hai chủ sở hữu trở lên, khả năng huy động vốn cũng tăng theo.
  • Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh sẽ được kê khai trực tiếp trong hồ sơ khai thuế cá nhân của từng thành viên hợp danh.
  • Có thể chiêu mộ được những nhân viên tiềm năng nếu có cơ chế khuyến khích họ phấn đấu để trở thành thành viên hợp danh.

Nhược Điểm của Công Ty Hợp Danh

  • Mỗi thành viên hợp danh chịu trách nhiệm chung và trách nhiệm cá nhân đối với hành động của các thành viên còn lại.
  • Lợi nhuận phải được chia cho các thành viên khác.
  • Do các thành viên đều có quyền đưa ra quyết định nên bất đồng có thể xảy ra.
  • Một số phúc lợi của nhân viên không được khấu trừ từ thu nhập của doanh nghiệp trên hồ sơ khai thuế.
  • Mối quan hệ hợp danh mang tính hữu hạn; nó có thể kết thúc nếu có thành viên rút vốn hoặc qua đời.

Các Loại Hình Công Ty Hợp Danh mà quý vị nên cân nhắc:

  1. Công Ty Hợp Danh Thông Thường

Các thành viên hợp danh phân chia trách nhiệm quản lý và trách nhiệm pháp lý, cũng như tỷ lệ lãi lỗ theo thỏa thuận nội bộ giữa các thành viên.  Tỷ lệ sẽ được mặc định là bằng nhau nếu không có thỏa thuận bằng văn bản quy định khác đi.

  1. Công Ty Hợp Danh Trách Nhiệm Hữu Hạn và Thành Viên Hợp Danh có trách nhiệm hữu hạn

“Hữu Hạn” ở đây được hiểu là hầu hết các thành viên hợp danh đều có trách nhiệm hữu hạn (ở phạm vi mà họ đã đầu tư) cũng như hạn chế quyền ra quyết định đối với hoạt động quản lý của doanh nghiệp, thường khuyến khích các nhà đầu tư cho các dự án ngắn hạn hoặc đầu tư vào tài sản vốn.  Hình thức sở hữu này không phổ biến trong các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ hoặc dịch vụ.  Việc thành lập công ty hợp danh trách nhiệm hữu hạn phức tạp hơn và chính thống hơn so với công ty hợp danh thông thường.

  1. Công Ty Liên Doanh

Hình thức này cũng tương tự như công ty hợp danh thông thường, tuy nhiên, công ty liên doanh có thời hạn rõ ràng hoặc nhằm thực hiện một dự án cụ thể.  Nếu các thành viên trong công ty liên doanh vẫn tiếp tục lặp lại hoạt động, họ sẽ được ghi nhận là một công ty hợp danh hoạt động kéo dài và sẽ phải khai thuế cũng như phân bổ tài sản hợp danh tích lũy khi pháp nhân giải thể.

Công Ty Cổ Phần

Công Ty Cổ Phần chịu sự điều chỉnh của pháp luật tiểu bang nơi công ty đặt trụ sở, và được pháp luật công nhận là một pháp nhân duy nhất, riêng biệt và tách biệt khỏi các chủ sở hữu của công ty.  Công Ty Cổ Phần có thể bị đánh thuế; có thể bị kiện; cũng như có thể tham gia vào các thỏa thuận theo hợp đồng.  Chủ sở hữu của công ty cổ phần là các cổ đông.  Các cổ đông sẽ bầu ra hội đồng quản trị để giảm sát các chính sách và quyết định quan trọng.  Công ty cổ phần có thời gian tồn tại riêng và không bị giải thể khi thay đổi chủ sở hữu.

Ưu Điểm của Công Ty Cổ Phần

  • Cổ đông chịu trách nhiệm hữu hạn đối với các khoản nợ của công ty hoặc các phán quyết đối với công ty.
  • Thông thường, các cổ đông có thể chỉ chịu trách nhiệm đối với số tiền mà họ đầu tư vào cổ phần của công ty. (Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các cổ đông này có thể chịu trách nhiệm pháp lý cá nhân đối với hành động của mình, chẳng hạn như không thực hiện khấu trừ và đóng thuế việc làm.
  • Công ty cổ phần có thể huy động vốn dưới hình thức bán cổ phiếu.
  • Công ty cổ phần có thể khấu trừ thuế cho chi phí phúc lợi cung cấp cho lãnh đạo cấp cao và nhân viên.
  • Có thể chọn theo hình thức S Corporation nếu đáp ứng một số điều kiện nhất định. Nếu lựa chọn hình thức này, doanh nghiệp sẽ bị đánh thuế tương tự như công ty hợp danh.

Nhược Điểm của Công Ty Cổ Phần

  • Việc thành lập công ty cổ phần cần nhiều thời gian và tiền bạc hơn bất kỳ loại hình doanh nghiệp nào.
  • Công ty cổ phần chịu sự giám sát của các cơ quan quản lý cấp liên bang, tiểu bang và một số cơ quan quản lý địa phương. Do đó, cần nhiều thủ tục giấy tờ hơn để đáp ứng các quy định.

Công Ty S (Subchapter) Corporation

Chỉ có ý nghĩa về thuế; loại hình S Corporation cho phép các cổ đông xem các khoản thu nhập và lợi nhuận là các khoản phân phối và được chuyển trực tiếp vào hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân của họ.  Lợi thế của hình thức này chính là, nếu cổ đông có làm việc cho công ty và công ty có lợi nhuận, họ phải trả lương cho chính mình và phải đáp ứng các tiêu chuẩn về “thù lao hợp lý”.  Mức thù lao hợp lý có thể khác nhau giữa các khu vực địa lý và nghề nghiệp khác nhau, tuy nhiên, nguyên tắc cơ bản là mức lương trả cho chính mình phải bằng mức lương quý vị thuê người khác để làm thay công việc nếu công ty có đủ lợi nhuận.  Nếu quý vị không thực hiện điều này thì IRS có thể xem các khoản thu nhập và lợi nhuận là tiền lương và quý vị phải chịu trách nhiệm về toàn bộ thuế quỹ lương cho tổng số tiền đó.

Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn (LLC)

LLC là một hình thức cơ cấu doanh nghiệp hỗn hợp, tương đối mới và hiện nay đã được chấp nhận ở hầu hết các tiểu bang.  Hình thức này có được lợi thế về tính trách nhiệm hữu hạn của công ty cổ phần và tính hiệu quả về thuế, tính linh hoạt trong vận hành của công ty hợp danh.  Việc thành lập LLC phức tạp và chính thống hơn so với công ty hợp danh thông thường.

Chủ sở hữu là các thành viên của công ty và thời hạn hoạt động của công ty LLC thường được xác định khi nộp hồ sơ thành lập công ty.   Công ty có thể tiếp tục thời gian hoạt động dưới hình thức bỏ phiếu của các thành viên tại thời điểm hết hạn.  Công ty LLC không được phép có quá hai trong số bốn đặc điểm để xác định một công ty cổ phần như sau:  Chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi tài sản; tiếp tục thời gian hoạt động; có hội đồng quản trị tập trung; và tự do chuyển nhượng các lợi ích quyền sở hữu.

Lưu ý rằng có một hình thức LLC vừa mới xuất hiện ở tiểu bang Texas từ năm 2009, còn được gọi là LLC Chuỗi (Series LLC). Tham khảo thêm tại Chương 101, Tiểu Mục M của Bộ Luật Thành Lập Doanh Nghiệp Texas hoặc truy cập liên kết này để đến trang web của Bang Vụ Khanh exas).  LLC Chuỗi cho phép tồn tại nhiều chuỗi công ty với các thành viên, nhà quản lý, quyền lợi thành viên hoặc tài sản riêng biệt. Mỗi chuỗi có thể có đầy đủ đặc tính của một LLC riêng, chẳng hạn như quyền lợi, quyền hạn hoặc trách nhiệm riêng liên quan đến tài sản hoặc nghĩa vụ cụ thể. Ngoài ra, mỗi chuỗi cũng có thể có mục đích kinh doanh hoặc mục tiêu đầu tư riêng.

Biểu Mẫu Thuế Liên Bang cho LLC

Chịu mức thuế như công ty hợp danh trong hầu hết các trường hợp, hình thức công ty cổ phần được áp dụng khi trên 2 trong 4 đặc điểm của công ty cổ phần, như đã mô tả ở phần trên.

Tóm lại, quyết định thành lập công ty theo hình thức phù hợp nhất với hoạt động kinh doanh của quý vị phải được xem xét thấu đáo.  Hãy tham vấn các cố vấn quan trọng của quý vị trong quá trình này.

 

Nguồn: Kenner & Speck, LC